Thương mại toàn cầu sụt giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch

Khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ thời kỳ Covid-19, với các số liệu được theo dõi chặt chẽ cho thấy lạm phát và lãi suất tăng đang ảnh hưởng lớn đến nhu cầu hàng hóa toàn cầu…

Khối lượng thương mại toàn cầu tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7
Khối lượng thương mại toàn cầu tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7

Theo số liệu giám sát thương mại thế giới do Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan (CPB) công bố, khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm 3,2% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ những tháng đầu đại dịch Covid-19 năm 2020.

Con số này theo sau mức giảm 2,4% trong tháng 6 và một lần nữa cung cấp bằng chứng cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể.

Hậu đại dịch, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa toàn cầu tiếp tục suy yếu do lạm phát, lãi suất tăng cao và xu hướng người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ khi các quốc gia mở cửa trở lại sau giai đoạn lockdown kéo dài.

Sự thay đổi về khối lượng xuất khẩu diễn ra trên diện rộng, với hầu hết các nước trên thế giới đều báo cáo khối lượng thương mại giảm trong tháng 7.

Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, chứng kiến mức giảm hàng năm là 1,5%, trong khi đó, khu vực đồng Euro giảm 2,5% và Mỹ trượt 0,6%.

Screen Shot 2023-09-26 at 2.41.50 PM.png
Thương mại toàn cầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ thời điểm đầu đại dịch

Các chỉ số tâm lý cho thấy thương mại thế giới sẽ tiếp tục yếu trong những tháng tới.

Chỉ số quản lý mua hàng toàn cầu của S&P, theo dõi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới, cho thấy sự sụt giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 trên khắp nước Mỹ, khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh.

Mặc dù lãi suất được dự kiến sẽ không tăng thêm trong những tháng tới, nhưng các ngân hàng trung ương khó có thể cắt giảm chi phí đi vay cho đến khi có thêm bằng chứng cho thấy áp lực giá về cơ bản đã được kiểm soát.

Các nhà phân tích tin rằng việc thiếu nới lỏng tín dụng sẽ tiếp tục đè nặng lên xuất khẩu.

Ariane Curtis, nhà kinh tế toàn cầu tại công ty tư vấn Capital Economics cho biết: “Với tác động trễ của lãi suất đè nặng hơn lên nhu cầu đối với một số hàng hóa nhất định, có thể phải mất vài tháng nữa thương mại toàn cầu mới chạm đáy”.

Ông Curtis giải thích thêm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thường được mua bằng vốn vay - chẳng hạn như ô tô, đồ nội thất và tư liệu sản xuất - sẽ yếu đi nhiều nhất.

Nhà kinh tế học tại tổ chức tài chính Jefferies, ông Mohit Kumar lưu ý rằng thương mại có thể sẽ đi theo xu hướng tăng trưởng kinh tế, với thực trạng suy thoái sẽ xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong các quý tới.

Cùng với tốc độ tăng trưởng yếu hơn, căng thẳng địa chính trị cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD một lần nữa nhấn mạnh việc các hạn chế thương mại đã hạn chế doanh số xuất khẩu kể từ năm 2018.

“Sự phân mảnh địa kinh tế và việc chuyển sang các chính sách hướng nội sẽ làm giảm lợi ích từ thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến mức sống, đặc biệt là ở các quốc gia và hộ gia đình nghèo nhất”, OECD cảnh báo.

Ở một khía cạnh khác, sản xuất công nghiệp toàn cầu đã giảm 0,1% so với tháng trước, do sản lượng bị hạn chế ở Nhật Bản, khu vực đồng Euro và Anh Quốc.

Ngược lại, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0,7%, làm dấy lên hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có được một “cuộc hạ cánh mềm”, với lạm phát giảm trở lại mức có thể chấp nhận được mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…