Hai sinh viên ngành thiết kế tại Berlin Johanna Hehemeyer-Cürten và Lobke Beckfeld đã tạo ra Sonnet155, một mẫu túi vừa mang chất liệu bền vững, lại vừa tái sử dụng được.
NGUYÊN LIỆU - QUÁ TRÌNH TÁI CHẾ
Sonnet155 được làm hoàn toàn từ vật liệu phân hủy sinh học. Kết thúc vòng đời, mỗi chiếc túi có thể phân hủy thành nước hoặc đất. Hehemeyer-Cürten và Beckfeld đã tìm ra công thức chế tạo túi tương tự hiệu ứng tạo gel của gelatin từ hỗn hợp hai nguyên liệu thô: chất thải xenlulo từ ngành dệt và pectin. Chất thải xenlulo có nguồn gốc từ cấu trúc thành tế bào hiện diện trong thực vật, còn pectin được chiết xuất từ vỏ trái cây, có vai trò như một chất kết dính tự nhiên.
Hai nguyên liệu trên được ngâm trong nước ấm và đổ vào khuôn định hình, trước khi được cắt và khâu tạo hình thành túi xách. Những vật liệu vốn luôn sẵn có tại địa phương, khi kết hợp với nhau tạo thành một mô giống gelatin bền vững có thể trở lại vòng đời sinh học tự nhiên của chúng sau khi kết thúc sử dụng. Khi túi bị mòn dần theo thời gian, ta có thể hoà tan trong nước ấm để đúc nên một chiếc túi khác, hoặc tách pectin ra đem đi làm phân bón.
THIẾT KẾ TỐI GIẢN
Chất liệu về cảm quan giống như da, khá dai và đàn hồi. Thiết kế của mẫu túi tối giản, với những màu sắc trong suốt, nhẹ nhàng rất phù hợp với mùa hè. Đặc biệt, hiệu ứng loang màu, độ đậm nhạt, độ trong hay mờ đục và độ bóng ở mỗi túi sẽ không thể trùng lặp, vì tuỳ thuộc vào sắc tố và kết cấu của những loại pectin được sử dụng.
Hai nhà thiết kế đang hoàn thiện khoá học thạc sĩ tại Học viện nghệ thuật Weißensee, đồng thời cũng tìm kiếm các đơn vị sản xuất để đưa Sonnet155 ra thị trường. Họ hy vọng sáng tạo của mình sẽ là một phiên bản nâng cấp mang đậm tính bền vững so với túi giấy hay túi vải thô, được người tiêu dùng ưa thích cho đến ngày sản phẩm trở về hoà mình vào với thiên nhiên.