Các công ty thực phẩm Mỹ phải thay đổi chiến lược để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Trước tình hình kinh tế khó khăn và lợi nhuận giảm sút, nhiều công ty thực phẩm Mỹ đang phải tính toán lại các chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các công ty thực phẩm Mỹ phải thay đổi chiến lược để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống đóng gói lớn nhất nước Mỹ đều đang chứng kiến doanh số bán hàng giảm mạnh, một phần do nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp (thu nhập dưới 35.000 USD) - một phân khúc khách hàng quan trọng của ngành thực phẩm đóng gói - chọn cách nấu ăn từ nguyên liệu thô đơn giản, tận dụng hết đồ ăn còn thừa và mua sắm bớt lại.

Theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất, khoảng 1/3 số hộ gia đình người Mỹ da đen và 21% số hộ gia đình người Mỹ da trắng rơi vào nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp.

“Những hộ gia đình có thu nhập thấp thường ít tiêu thụ thực phẩm rau, thịt tươi sống hơn so với những người tiêu dùng khá giả vì lý do kinh tế. Hiện nay, họ càng gặp khó khăn hơn vì lạm phát, dẫn đến xu hướng buộc phải lựa chọn những thực phẩm có thời hạn bảo quản dài hơn và số lượng nhiều hơn nhưng chưa chắc đã đủ bổ dưỡng”, ông Carlos Rodriguez, giám đốc City Harvest, công ty phân phối thực phẩm tươi sống ở thành phố New York (Mỹ), chia sẻ.

Chính điều này đã khiến các nhà sản xuất thực phẩm như Kraft-Heinz và Conagra Brands phải điều chỉnh lại các sản phẩm và chiến lược của họ sau nhiều năm tăng giá và mở rộng danh mục.

Nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh, các thương hiệu hiện nay tập trung vào khối lượng và chiết khấu, đảo ngược cách thức mà họ triển khai trong thời gian đại dịch như bổ sung sản phẩm cao cấp, ra mắt các hương vị mới như một nỗ lực biện minh cho việc tăng giá.

Duleep Rodrigo, lãnh đạo bộ phận bán lẻ và tiêu dùng Mỹ tại KPMG cho biết, giờ đây các công ty thực phẩm phải đảm bảo rằng họ đang thu hút những người mua giá trị quay trở lại. “Họ không thể đạt được doanh số kỳ vọng nếu không có phân khúc quan trọng này”, ông Rodrigo lưu ý.

Ngân hàng đầu tư Jefferies ghi nhớ trong một báo cáo nghiên cứu ngày 3/4 rằng nhà sản xuất mì ống và pho mát Kraft Heinz, công ty ngũ cốc WK Kellogg và Kellanova, chuyên bán khoai tây chiên Pringles, là một trong những công ty thực phẩm lớn đang tăng cường giảm giá sản phẩm.

Brian Hannasch, Giám đốc điều hành của Alimentation Couche-Tard, công ty điều hành hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K tiết lộ, để thu hút những người Mỹ không còn đủ khả năng mua đồ ăn nhanh, vào tháng 5 tới Conagra sẽ giới thiệu món chả gà Banquet mới, với giá chỉ 6,99 USD cho sáu miếng. Bánh mì kẹp thịt gà là lựa chọn hàng đầu tại các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.

Tương tự, tập đoàn thực phẩm Conagra với danh mục thịt hộp khổng lồ cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số ấn tượng, đặc biệt là ở dòng sản phẩm xúc xích giá rẻ Armor Star Vienna 1 USD cho một hộp thiếc 4,6 oz.

Trong khi đó, Coca-Cola lại đi theo hướng kéo dài ưu đãi, tăng thời gian khuyến mãi combo nước ngọt 1,25 lít tại hầu hết hệ thống siêu thị trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thu hút người tiêu dùng có nhập thấp.

Bên cạnh đó, có một xu hướng khác mà các giám đốc điều hành trong ngành thực phẩm nhận ra là người tiêu dùng đang từ bỏ những món ăn nhẹ có hàm lượng calo thấp để chuyển sang món ăn no lâu hơn.

Tập đoàn JM Smucker nổi tiếng với thương hiệu bơ đậu phộng Jif đã chứng kiến doanh số tiếp tục tăng mạnh, bởi bơ đậu phộng một trong những đồ ăn có thể cung cấp protein với chi phí rất thấp.

Ông Bob Nolan từ tập đoàn Conagra cũng chia sẻ thêm, doanh số các món snack làm từ ngô cũng đã tăng 20-30% trong thời gian qua. Thậm chí những món ăn nhẹ như hạt hướng dương David Seeds mà người tiêu dùng có thể nhâm nhi trong cả một trận bóng chày, cũng đang được yêu thích hơn trước.

Có thể bạn quan tâm