Thặng dư thương mại ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang làm dấy lên lo ngại rằng khối 27 quốc gia này có nguy cơ trở thành bãi đáp hàng hóa giá rẻ trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh chưa có hồi kết.
Hiện tại, phần lớn hàng Trung Quốc bị chuyển hướng đang đi qua khu vực Mỹ Latin và Đông Nam Á. Tuy nhiên, khối lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu cũng đã tăng mạnh, riêng trong năm nay có thể chạm mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ xếp sau con số đột biến năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch. Nhiều chuyên gia cho rằng dòng chảy này sẽ còn tăng tốc khi các chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ chính thức có hiệu lực.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thoả thuận giảm thuế tạm thời kéo dài 90 ngày. Tuy nhiên, các loại thuế mà Washington đang áp lên phần lớn hàng hóa Trung Quốc vẫn cao hơn 30 điểm phần trăm so với mức đầu năm. Điều này cho thấy những rào cản thương mại lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn nguyên.
“Các thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là châu Âu, sẽ chứng kiến làn sóng hàng hóa Trung Quốc gia tăng. Trung Quốc sẽ cố gắng giữ thị phần toàn cầu ở mức cao và tăng cường sự hiện diện ở các thị trường khác”, ông Maxime Darmet, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Allianz Trade nhận định. Thực tế cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc với EU đã đạt mức cao 90 tỷ USD.
Những biến động khó lường trong thương mại toàn cầu đang thử thách chiến lược thận trọng của châu Âu trong cuộc đua định hình lại các quy tắc thương mại mới, vốn ngày càng đi ngược với nguyên tắc cốt lõi về tự do thương mại của EU.
Về bản chất, sự mất cân bằng thương mại ngày càng lớn với Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại rằng các doanh nghiệp châu Âu đang đánh mất lợi thế cạnh tranh, khi các công ty Trung Quốc không ngừng vươn lên trong chuỗi giá trị và lấn át đối thủ cả trong và ngoài nước. “Trong thời đại chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, không thể duy trì thương mại tự do vì điều đó sẽ hủy hoại ngành công nghiệp nội địa. Cần có rào cản thương mại đối với những ngành mà EU muốn cạnh tranh, không nhất thiết phải là ô tô điện, mà có thể là bất kỳ lĩnh vực non trẻ đang cần được bảo vệ”, bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis SA, cảnh báo.
Biến động tỷ giá cũng đang làm tình hình thêm phức tạp. Tháng trước, đồng nhân dân tệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ so với đồng euro, khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn và hấp dẫn hơn với người tiêu dùng châu Âu.
Trong khi đó, nhu cầu nội địa tại Trung Quốc đang suy yếu khiến nước này thu hẹp dần khối lượng nhập khẩu từ châu Âu. Đồng thời, các công ty nội địa Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế, từ đó đẩy lùi các nhà cung cấp châu Âu khỏi thị trường.
Theo ông Darmet từ Allianz, tình hình hiện tại sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách EU phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, bao gồm cả rào cản thuế quan và phi thuế quan. “Ban đầu, chúng ta nghĩ đây chỉ là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng thực tế, nó đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Âu”, ông Maxime Darmet của Allianz Trade nhấn mạnh.