
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm VN30 đều đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025. Bức tranh mục tiêu tăng trưởng khá đa dạng: có đơn vị mạnh dạn đặt kỳ vọng bứt phá, song cũng không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án thận trọng trước những biến động khó lường của thị trường.
LỢI NHUẬN NHÓM NGÂN HÀNG SONG HÀNH CÙNG ĐÀ BƠM TÍN DỤNG
Với 13/30 mã trong rổ VN30, nhóm tài chính – ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chi phối trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại, đã có 9 nhà băng trong nhóm này công bố kế hoạch kinh doanh 2025, cho thấy bức tranh phân hóa rõ nét giữa các khối.
Nhóm tài chính – ngân hàng tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong rổ VN30 khi chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 13 đại diện là các ngân hàng hàng đầu hệ thống. Trong số này, đã có 9 ngân hàng công bố mục tiêu kinh doanh sơ bộ cho năm 2025, hé lộ bức tranh tăng trưởng có sự phân hóa rõ nét.
Khối ngân hàng quốc doanh vẫn giữ tinh thần thận trọng khi xây dựng kế hoạch cho năm mới. VietinBank hiện chưa công bố kế hoạch cụ thể do còn chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, Vietcombank đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức khiêm tốn – khoảng 5%, tương đương 44.300 tỷ đồng.
Với BIDV, tuy chưa đưa ra con số chính thức, nhưng lãnh đạo ngân hàng trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm đã hé lộ rằng lợi nhuận trước thuế riêng mảng ngân hàng có thể tăng khoảng 6-10% trong năm 2025.
Trái ngược với sự dè dặt của khối ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân lại tỏ ra mạnh dạn hơn với các chỉ tiêu tăng trưởng tham vọng.
Cụ thể, trong nhóm VN30, VPBank, HDBank và SHB đặt kỳ vọng lợi nhuận năm 2025 tăng trên 20%. Techcombank và TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 14-19%, trong khi ACB, MBB và SeABank lựa chọn hướng đi thận trọng hơn với kế hoạch lãi dưới 10%.
Đáng chú ý, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay ở mức 20-25% so với năm 2024. Nếu đạt được, lợi nhuận năm 2025 của ngân hàng này có thể chạm mốc 1 tỷ USD.
HDBank cũng gây chú ý với mục tiêu lợi nhuận 21.179 tỷ đồng – tương đương mức tăng 27%. Bên cạnh đó, nhà băng này còn hướng đến mức tăng trưởng 28% về huy động vốn và 32% về dư nợ tín dụng.

Trước đó đã có rất nhiều chuyên gia đánh giá, ngân hàng tiếp tục là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng đáng kể trong năm 2025. Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2024.
Theo đánh giá của giới phân tích, đây là mục tiêu khả thi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng từ khu vực sản xuất và thương mại có xu hướng gia tăng nhờ đà phục hồi của nền kinh tế.
Tại báo cáo dự phóng kết quả kinh doanh mới công bố, Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định ngành ngân hàng năm 2025 ghi nhận kết quả tích cực hơn so với năm trước, lợi nhuận tăng trưởng 7% trong quý 1 và 15% cho cả năm.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bao gồm các yếu tố như đầu tư công thúc đẩy nền kinh tế, tiêu dùng bán lẻ và sản xuất kinh doanh phục hồi từ đầu năm và thị trường bất động sản phục hồi. Đặc biệt, tăng trưởng thu nhập lãi thuần vẫn là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận.
Theo VPBankS, biên lãi thuần (NIM) bình quân ngành được kỳ vọng đã tạo đáy trong năm 2024, CIR ngành duy trì ổn định và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Cùng với đó, các chuyên viên đánh giá nợ xấu là một yếu tố cần theo dõi, tuy nhiên rủi ro trong năm 2025 sẽ được hạn chế đáng kể nhờ môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực và chính sách tài khóa tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng. Do đó chi phí dự phòng tương đối sẽ không tăng so với năm 2024.
3 DOANH NGHIỆP “HỌ VIN” BUNG KẾ HOẠCH KINH DOANH LỚN
Trong rổ VN30, ba doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup đã sớm công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025, và điểm chung nổi bật là đều đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 56% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 90%. Đây cũng là mức tăng trưởng kế hoạch lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp VN30.
Tương tự, Vinhomes đặt mục tiêu 2025 với doanh thu thuần đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 75%. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 42.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thực hiện trong năm trước. Nếu đạt được, đây tiếp tục là một kỷ lục mới của thành viên Tập đoàn Vingroup.
Vinhomes cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trên thị trường bất động sản thông qua việc phát triển các khu đô thị kiểu mẫu quy mô lớn tại các tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Long An... Công ty tập trung nâng cấp và mở rộng hệ sinh thái số, đặc biệt là việc cập nhật các tính năng mới cho ứng dụng cư dân Vinhomes Resident và bộ giải pháp SmartCity, mang lại trải nghiệm sống hiện đại, tiện nghi hơn.
Vinhomes cũng sẽ triển khai mạnh mẽ chiến lược marketing điểm đến, không chỉ quảng bá các dự án nổi bật mà còn kết nối cộng đồng cư dân thông qua các hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường trách nhiệm xã hội và xây dựng những đại đô thị đáng sống bậc nhất Việt Nam.
Trong khi đó, Vincom Retail đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.520 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu từ cho thuê và các dịch vụ liên quan khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024 và doanh thu chuyển nhượng bất động sản khoảng 220 tỷ đồng, ước 26% so với năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khoảng 4.700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, mục tiêu đề ra trong năm nay tăng trưởng 6% về doanh thu và 14% về lợi nhuận sau thuế so với thực hiện năm 2024.
Hội đồng quản trị Vincom Retail cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2025 được đề xuất dựa trên cơ sở kỳ vọng của ban lãnh đạo về triển vọng tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, tăng trưởng dự kiến của thị trường bán lẻ, tình hình cung – cầu mặt bằng bán lẻ, từ đó ảnh hưởng tới doanh thu từ hoạt động cho thuê. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2024 do công ty đã hoàn tất bàn giao phần lớn quỹ căn shophouse tại các dự án hiện hữu.
Về định hướng hoạt động cụ thể, năm 2025, Vincom Retail dự kiến khai trương thêm 3 trung tâm thương mại mới, gồm Vincom Mega Mall Ocean City, Vincom Mega Mall Royal Island và Vincom Plaza Vinh, đưa vào thị trường gần 120.000m2 tổng diện tích mặt sàn bán lẻ.
Về chiến lược dài hạn, Vincom Retail dự kiến sẽ phát triển các trung tâm thương mại nằm trong các đại đô thị Vinhomes với diện tích từ hàng trăm tới hàng nghìn ha. Các trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm của khách mua sắm, những người đang ngày càng có xu hướng tìm kiếm các không gian mua sắm đa năng, tích hợp nhiều tiện ích và trải nghiệm dịch vụ, thay vì chỉ đơn thuần là mua sắm.
Công ty sẽ tiếp tục khai thác từ hệ sinh thái Vingroup khi tiếp tục triển khai các dự án trung tâm thương mại, các dự án shophouse và các khu phố thương mại mới đi cùng các đại dự án của Tập đoàn Vingroup.
ĐỒNG LOẠT THAM VỌNG PHÁ ĐỈNH LỢI NHUẬN, PV GAS NGƯỢC DÒNG “CÀI SỐ LÙI”
Trái ngược với không khí lạc quan từ các chỉ tiêu tăng trưởng trong nhóm VN30, một “ông lớn” bất ngờ gây chú ý khi thận trọng đặt kế hoạch đi lùi. Tính đến thời điểm hiện tại, PV GAS là doanh nghiệp duy nhất trong rổ VN30 công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 theo hướng giảm sút cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Sau năm 2024 đầy thăng hoa với doanh thu hợp nhất lập kỷ lục 103.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế vượt 82% kế hoạch, đạt 13.000 tỷ đồng, PV GAS bất ngờ "phanh gấp", khi đặt mục tiêu giảm 30% doanh thu và giảm một nửa lợi nhuận trong năm 2025, xuống còn lần lượt 73.900 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng.
Theo lý giải từ doanh nghiệp, năm 2025, PV GAS sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả bên ngoài lẫn nội tại. Nguồn khí trong nước tiếp tục suy giảm mạnh, trong khi các sự cố phía thượng nguồn có xu hướng gia tăng và thường kéo dài, ảnh hưởng đến việc cấp khí ổn định. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu và tiêu thụ LNG còn phụ thuộc lớn vào giá nhập khẩu và khả năng tiêu thụ của khách hàng do thiếu vắng các hợp đồng bao tiêu dài hạn.
PV GAS cũng thừa nhận đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt: từ các nhà cung cấp LNG mới, các nguồn nhiên liệu thay thế, đến cuộc đua giành thị phần LPG với những đối thủ có lợi thế về kho chứa, chính sách giá linh hoạt và sẵn sàng chào bán thấp. Ngoài ra, tình trạng chiết nạp LPG trái phép vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến mảng bán lẻ LPG – một trong những mảng kinh doanh chủ lực của doanh nghiệp.
Dẫu vậy, PV GAS là trường hợp hiếm hoi đi ngược xu hướng. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại trong nhóm VN30, vẫn đặt kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2025.
Điển hình như Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỷ đồng, tăng 25%. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay của “ông lớn” ngành thép.
FPT cũng lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.
Vinamilk đặt kế hoạch năm 2025 tiếp tục tăng trưởng, với doanh thu 64.505 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.680 tỷ đồng, tăng 4,3% và tăng 2,4%. Nếu đạt được kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk sẽ duy trì chuỗi tăng trưởng 4 năm liên tục từ 2022, đồng thời doanh thu sẽ lên đỉnh lịch sử mới.
Không nằm ngoài xu thế, SSI đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 9.695 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.252 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 20% so với kết quả thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Theo dự báo từ MBS, lợi nhuận toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ trong quý 1/2025 trên mức nền đang cao dần hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất tiêu dùng tiếp tục phục hồi.
Trong quý 1/2025, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 nổi bật gồm Bất động sản tăng 719%, khu công nghiệp tăng 61%, năng lượng tăng 41%.
Một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như hàng không giảm 46% so với cùng kỳ do cùng kỳ năm ngoái có lợi nhuận đột biến hay dầu khí giảm 27% do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.