EU sẽ áp thuế bổ sung 9% đối với xe Tesla nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vì mức 20,8% như dự kiến

Đây là mức thuế bổ sung mà EU đưa ra, ngoài mức thuế hiện hành là 10% áp dụng cho tất cả xe sản xuất ở nước ngoài...

EU sẽ áp thuế bổ sung 9% đối với xe Tesla nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vì mức 20,8% như dự kiến

Sau khi tiến hành điều tra kĩ lưỡng theo yêu cầu, Liên minh châu Âu đã quyết định giảm hơn một nửa mức thuế bổ sung đối với xe điện Tesla nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cụ thể, Uỷ ban Châu Âu, cơ quan thiết lập chính sách thương mại của EU, đã điều chỉnh mức thuế bổ sung đối với xe điện Tesla là 9%, thấp hơn nhiều so với con số 20,8% được đề xuất vào tháng 7. Một số công ty Trung Quốc liên doanh với các nhà sản xuất ô tô EU cũng có thể được áp dụng mức thuế thấp hơn.

Khoản thuế dự kiến sẽ bổ sung thêm vào mức thuế tiêu chuẩn 10% của EU đối với ô tô nhập khẩu, một biện pháp mà Uỷ ban Châu Âu cho rằng sẽ có thể đối phó với các khoản ưu đãi của chính phủ Trung Quốc dành cho một số hãng xe và tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các công ty.

Trước đó, Tesla đã yêu cầu EU tính toán lại mức thuế bổ sung dựa trên mức độ trợ cấp cụ thể mà công ty nhận được. Đến nay, Uỷ ban Châu Âu đã xác minh được rằng Tesla nhận được ít trợ cấp hơn từ chính phủ Trung Quốc so với các nhà sản xuất xe điện nội địa.

Trong khi đó, Uỷ ban vẫn cho rằng ngành xe điện Trung Quốc hưởng lợi lớn từ các khoản ưu đãi của chính phủ và đề xuất mức thuế lên đến 36,3% đối với một vài công ty khác.

Con số này thực chất vẫn thấp hơn một chút so với mức thuế tối đa ban đầu là 37,6% được đề xuất vào tháng 7 đối với các công ty không hợp tác trong cuộc điều tra chống trợ cấp của EU.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản ứng khá gay gắt với tuyên bố kiên quyết phản đối và rất quan ngại về các kết luận của EU, đồng thời cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Kết luận dự thảo dựa trên các sự kiện do phía EU đơn phương xác định, không phải trên các sự kiện đã được đồng thuận. Chúng tôi hy vọng EU sẽ nhanh chóng tìm ra các giải pháp hợp lý, thực tế để tránh làm leo thang xung đột thương mại”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Tesla là một trong những công ty nằm trong diện hợp tác với cuộc điều tra của EU.

Uỷ ban Châu Âu cho biết có 3 công ty khác cũng sẽ nhận mức thuế bổ sung thấp hơn một chút so với đề xuất ban đầu. Cụ thể, BYD của Trung Quốc sẽ đối mặt với mức thuế 17,0% so với 17,4% trước đây, Geely 19,3% so với 19,9% và SAIC là 36,3% so với 37,6%.

Các công ty Trung Quốc liên doanh với các nhà sản xuất EU cũng có thể đủ điều kiện để hưởng mức thuế thấp hơn. Một nguồn tin có hiểu biết với vấn đề này tiết lộ, chi nhánh SEAT của Volkswagen đang kỳ vọng nhận được mức thuế 21,3% đối với mẫu Cupra Tavascan, được sản xuất bởi một liên doanh tại Trung Quốc mà Volkswagen nắm giữ phần lớn cổ phần. Phát ngôn viên của SEAT cho biết họ đang làm việc với Tập đoàn Volkswagen để giảm thiểu tác động của thuế quan.

Tương tự, BMW giải thích trong một tuyên bố rằng liên doanh của họ tại Trung Quốc, chịu trách nhiệm sản xuất dòng xe điện Mini, cũng được phân loại là công ty hợp tác và đủ điều kiện để hưởng mức thuế 21,3% thay vì 37,6% mà Brussels đã đề xuất tháng trước.

Các mức thuế dự kiến có thể là biện pháp cuối cùng của EU đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc sau khi cuộc điều tra kết thúc trong khoảng hai tháng nữa.

Các bên liên quan có thời hạn đến ngày 30/8 để nộp ý kiến về các kết luận của Uỷ ban Châu Âu.

Mức thuế chính thức sẽ cần phải được 27 quốc gia thành viên EU bỏ phiếu thông qua. Chúng sẽ được thực thi trừ khi có 15 thành viên (tương đương 65%) bỏ phiếu chống.

Trong một cuộc bỏ phiếu cố vấn vào tháng 7, 12 thành viên EU đã ủng hộ mức thuế tạm thời, 4 thành viên bỏ phiếu chống và 11 thành viên bỏ phiếu trắng, theo các nguồn tin.

Mức thuế bổ sung sẽ phải được áp dụng chính thức trước ngày 30/10.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…