Trí tuệ nhân tạo (AI), với những tiến bộ vượt bậc như ngày nay, sẽ sớm có thể thay đổi sâu sắc nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế tiên tiến sẽ đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn cao hơn.
Phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, khoảng 60% việc làm ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Anh sẽ sớm tiếp xúc trực tiếp với AI và một nửa số này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng AI cũng sẽ giúp nâng cao năng suất và cải thiện hiệu suất của một phần lớn bộ phận nhân sự.
Theo IMF, những công việc an toàn nhất là những công việc tiếp xúc cao và có tính bổ sung cao với AI, nghĩa là công nghệ này sẽ hỗ trợ công việc của họ thay vì thay thế hoàn toàn. Điều này bao gồm các vai trò có mức độ trách nhiệm cao và tương tác với con người, chẳng hạn như bác sĩ phẫu thuật, luật sư và thẩm phán.
Trong khị đó, các công việc có mức độ tiếp xúc cao nhưng tính bổ sung thấp - nghĩa là có khả năng bị AI thay thế - bao gồm tiếp thị qua điện thoại hoặc telesale.
Còn những công việc có tính tiếp xúc thấp được IMF nêu ví dụ như biểu diễn sân khấu và nấu ăn, làm bánh.
Cũng theo nghiên cứu của IMF, tỷ lệ việc làm liên quan đến AI là 40% ở các nền kinh tế thị trường mới nổi – các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ – và 26% đối với các nước có thu nhập thấp, với tổng số chỉ dưới 40%.
Theo bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, cho biết khả năng AI tác động đến các công việc có tay nghề cao đồng nghĩa với việc các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt với rủi ro lớn hơn từ công nghệ. Bà nói thêm rằng trong những trường hợp cực đoan, một số việc làm ở các nền kinh tế lớn có thể hoàn toàn biến mất.
“Gần một nửa số việc làm có thể được hưởng lợi từ việc tích hợp AI, nâng cao năng suất. Nhưng đối với nửa còn lại, các ứng dụng AI có thể thực hiện các nhiệm vụ chính hiện do con người thực hiện, điều này có thể làm giảm nhu cầu lao động, dẫn đến giảm lương và hạn chế tuyển dụng. Trong những trường hợp cực đoan nhất, một số công việc này có thể biến mất”, bà Kristalina Georgieva cảnh báo.
Bà Kristalina Georgieva cũng lưu ý thêm rằng trong hầu hết các kịch bản, AI có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung trong nền kinh tế toàn cầu và có thể gây ra căng thẳng xã hội nếu không có sự can thiệp chính trị.
AI đã nổi bật lên như một chủ đề thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos trong tuần này, nơi có cả sự tham dự của các lãnh đạo quốc gia, tổ chức quốc tế và giám đốc điều hành đầu ngành công nghệ.
“Điều quan trọng là các quốc gia phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động dễ bị tổn thương. Khi làm như vậy, chúng ta có thể khiến quá trình chuyển đổi AI trở nên toàn diện hơn, bảo vệ sinh kế và hạn chế bất bình đẳng”, bà Kristalina Georgieva nhận định.
Theo phân tích của IMF, những người có mức lương cao hơn và công việc có tính bổ sung cao với AI có thể mong đợi thu nhập của họ tăng lên. “Điều này sẽ khuếch đại sự bất bình đẳng về thu nhập và tài sản do lợi nhuận vốn tăng lên dành cho những người có thu nhập cao. Ngoài ra, động thái của các chính phủ sẽ còn liên quan đến định nghĩa về quyền sở hữu trí tuệ nhân tạo, cũng như các chính sách tái phân phối và tài chính khác, cuối cùng sẽ định hình tác động của trí tuệ nhân tạo đối với phân phối thu nhập và của cải”, bà Kristalina Georgieva cho biết thêm.
Vào đầu tuần này, ông Satya Nadella, giám đốc điều hành của Microsoft - nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI, đã chia sẻ rằng trong tương lai chắc chắn việc làm vẫn có đủ nhưng câu hỏi sẽ được đưa ra là “hình dạng của những công việc này như thế nào”.
Phát biểu tại một sự kiện do đơn vị tư vấn Chatham House ở London tổ chức, ông Nadella khẳng định: “Tôi nghĩ đây là thời đại mà chuyên môn nằm trong tầm tay bạn. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào vì bạn có trợ lý AI giúp đỡ”.