Hàng dài đoàn xe ô tô xếp hàng tại các trạm xăng ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khi nguồn cung xăng trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao trong vài tháng qua. Tuy nhiên, tài xế xe điện Mikial Belayneh lại tránh được hoàn toàn cảnh tượng chen lấn, chờ đợi mệt mỏi này.
"Tôi không còn phải lo xếp hàng mua xăng trên đường nữa”, anh Belayneh, cư dân của Addis, chia sẻ với CNN. Một lần sạc đầy cho chiếc Toyota bZ4X – mẫu xe điện phổ biến nhất ở quốc gia này – đủ để dùng trong hai ngày. Belayneh là một trong những người tham gia rất sớm vào phong trào chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện tại Addis Ababa, một trong những thành phố đang phát triển nhanh nhất ở khu vực Sừng châu Phi.
Hiện có khoảng 100.000 xe điện đã được đăng ký tại Ethiopia. Theo ước tính, số lượng xe điện ở đây sẽ tăng gấp hơn bốn lần vào năm 2032. Nguyên nhân là bởi chính phủ Ethiopia gần đây thực hiện một bước đi táo bạo, cấm nhập khẩu tất cả các loại xe chở khách chạy bằng xăng.
Đồng thời, nước này cũng giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với ô tô điện xuống chỉ còn 15%, theo Bộ Tài chính Ethiopia. Ngược lại, trước khi bị cấm, thuế nhập khẩu xe xăng có thời điểm lên tới 200%. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm đưa thêm nhiều xe điện vào Ethiopia.
Các mức thuế thấp hơn cũng đang thúc đẩy sản xuất xe điện tại địa phương. Hàng trăm chiếc xe đã được lắp ráp bởi Belayneh Kindie Group, công ty có trụ sở tại Ethiopia và sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc. Đại diện công ty, ông Besufekad Shewaye cho biết thuế nhập khẩu đối với các bộ phận xe điện được lắp ráp tại Ethiopia là gần như bằng 0.
“Ngày nay, hầu hết các chủ xe đều ưa chuộng xe điện. Nhu cầu đang tăng lên từng ngày”, ông Shewaye khẳng định.
QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI TÍCH CỰC
Ethiopia đang tích cực đẩy mạnh sử dụng xe điện, một phần vì việc nhập khẩu xăng rất tốn kém trong khi 96% điện của quốc gia này đến từ thủy điện sạch – một lợi thế kép cho khía cạnh tài chính và môi trường của đất nước.
“Ethiopia thực sự là một quốc gia năng lượng sạch. Tại sao phải nhập khẩu xăng khi mà họ có sẵn điện ở địa phương để sử dụng thoải mái cho các phương tiện đi lại?”, bà Jane Akumu, cán bộ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc nhận định.
Với nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, việc chuyển đổi sang xe điện là lựa chọn hợp lý và bền vững. Tuy nhiên, lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu ô tô chạy xăng vẫn khiến nhiều người khá bất ngờ.
Cố vấn vận tải của Bộ Giao thông vận tải và Hậu cần Ethiopia Assefa Hadis Hagos khẳng định rằng Ethiopia đã cho thấy khả năng đi đầu trong các chính sách môi trường mà các quốc gia khác có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện.
Trên thực tế, số lượng xe ở Ethiopia vẫn còn khá thấp, vào khoảng 1,2 triệu xe – tức là một xe trên 1.000 người. Ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, có tổng cộng 11,8 triệu chiếc xe, tương đương khoảng 54 chiếc trên 1.000 người. Tại Mỹ, hơn 91% người dân sở hữu ít nhất một chiếc xe.
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và giảm thiểu ô nhiễm, chính phủ Ethiopia đã áp dụng mức thuế rất cao đối với xe chạy xăng, do đó người tiêu dùng phải trả giá cao gấp ba lần giá trị nhập khẩu xe.
Còn đối với xe điện, mặc dù một số loại thuế đã được giảm bớt hoặc loại bỏ, nhưng việc mua một chiếc EV vẫn còn khá đắt đỏ đối với người dân. “Để mua được xe điện ở Ethiopia, bạn phải có thu nhập từ mức cao trở lên”, Iman Abubaker, nghiên cứu viên tại Viện Tài nguyên Thế giới chỉ ra.
Mặc dù còn thách thức về giá cả, nhưng thị trường xe điện Ethiopia vẫn đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, dần thay thế các dòng xe chạy động cơ đốt trong truyền thống. Trong vòng hai năm kể từ khi chính phủ Ethiopia đưa ra mục tiêu 10 năm nhằm đưa hơn 100.000 xe điện vào lưu thông – bắt đầu vào năm 2022 – xe điện đã chiếm gần 10% tổng số xe của quốc gia, theo CleanTechnica.
Chính phủ Ethiopia cảm thấy hài lòng về tốc độ chuyển đổi này, cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và hướng đến mục tiêu trung hoà carbon, ông Assefa Hadis Hagos nói với CNN.
XE BUÝT ĐIỆN VÀ BODA BODA
Hiện tại, Ethiopia là quốc gia duy nhất cấm nhập khẩu ô tô chạy xăng. Lệnh cấm của nước này là một trường hợp ngoại lệ”, Moses Nderitu, giám đốc điều hành tại Kenya của công ty xe buýt điện BasiGo cho biết.
Các quốc gia láng giềng, dù không đi đến biện pháp quyết liệt như vậy, nhưng tăng trưởng xe điện vẫn đang vượt lên nhanh chóng. Ở Nairobi (Kenya), xe máy điện đang chứng kiến đà tăng trưởng đáng kinh ngạc. Năm ngoái, Uber đã triển khai một đội xe máy màu vàng bắt mắt – được gọi là boda boda ở địa phương. Ngoài ra, sau khi chính phủ Kenya ban hành các ưu đãi thuế, số lượng xe máy điện trên đường phố đã tăng vọt 500% từ vài trăm lên khoảng 3.000 chiếc xe máy chỉ trong vòng một năm.
Dù rằng con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với tổng số 200.000 xe máy lưu thông tại Nairobi, nhưng nó đã góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm tiếng ồn ở một số khu vực của thành phố.
Quay trở về với Ethiopia, tại thủ đô Addis Ababa, các biện pháp nghiêm ngặt hơn bao gồm việc không cấp giấy phép cho xe máy chạy xăng, đã được chính quyền thành phố thực hiện.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy chính phủ Ethiopia và các chính phủ khác trên ở Châu Phi đầu tư nhiều hơn vào xe buýt điện và giao thông công cộng, để người dân ở mọi nhóm thu nhập đều có thể tiếp cận dễ dàng với các phương tiện hiệu quả này.
Trước đó, vào tháng 3, Addis Ababa đã giới thiệu đội xe buýt điện đầu tiên của mình để phục vụ giao thông công cộng.
Tương tự, những chiếc xe buýt điện kiểu Mỹ – đơn điệu hơn so với những chiếc xe buýt matatu chạy xăng đầy màu sắc và nhạc điệu ở Kenya – cũng đang dần phổ biến hơn trên các đường phố Nairobi.
Có thể thấy, thị trường xe điện đang ngày càng được mở rộng ở khắp lục địa Châu Phi, đặc biệt là khi có nhiều quốc gia đang tìm cách rời bỏ nhiên liệu xăng dầu để chuyển sang sử dụng điện. Tuy nhiên, vẫn cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và trợ cấp của các chính phủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
“Hãy nhìn xe điện giống như cách chúng ta nhìn thị trường điện thoại di động 30 năm trước. Khi thế giới bắt đầu sử dụng điện thoại di động, hạ tầng ở châu Phi gần như không có. Rất ít người được kết nối với điện thoại. Nhưng ngày nay, ngay ở Nairobi, thật khó có thể tìm thấy ai mà không có điện thoại. Tôi tin rằng, với những hướng đi đúng đắn, xe điện cũng sẽ sớm giống như điện thoại di động, trở thành một phương tiện không thể thiếu ở khắp Châu Phi”, Moses Nderitu, giám đốc điều hành công ty xe buýt điện BasiGo tại Kenya nhận định.