Thị trường phụ kiện dành cho thú cưng được đánh giá là một lĩnh vực đang lên của nền kinh tế, thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng người nuôi thú cưng sẵn sàng chi tiền để mang lại sự thoải mái và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người bạn bốn chân của gia đình.
Thời gian 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19 cũng góp phần làm gia tăng số lượng chủ sở hữu thú cưng trên toàn cầu khi nhiều cá nhân muốn tìm kiếm vật nuôi để xua tan sự cô đơn; từ đó đẩy mạnh nhu cầu về phụ kiện và dịch vụ dành cho thú cưng lên mức tăng đột biến, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử.
PET HUMANISATION
"Pet humanisation" là một cụm từ phản ánh suy nghĩ của người nuôi trong việc đối xử với thú cưng như thành viên trong gia đình, luôn cố gắng mang đến những cho thú cưng tiêu chuẩn sống tương tự như con người.
Ngoài xu hướng trên, những thay đổi trong lối sống hiện đại kết hợp cùng mức thu nhập ngày càng cao đã khiến cho thị trường phục vụ thú cưng ngày càng sôi động.
Trên thực tế, dù rằng người tiêu dùng có thể cảm thấy khó khăn về tài chính, nhưng khi nói đến thú cưng, họ vẫn luôn sẵn sàng mở "hầu bao". Điều này được minh chứng thông qua các diễn biến sôi động trên thị trường hàng hoá thú cưng sang trọng.
Dữ liệu từ MoneySuperMarket cho thấy, người nuôi thú cưng ở Anh chi gần 620 USD mỗi năm cho những món đồ xa xỉ dành cho thú cưng, từ quần áo hàng hiệu và giường đệm sang trọng cho đến đồ chơi và đồ ăn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Thậm chí, một phần lớn người nuôi thú cưng ở các khu thành thị Anh sẵn sàng chi nhiều cho thú cưng hơn là nhu cầu của chính bản thân họ.
Theo UK Pet Food, trước đây là Hiệp hội các nhà sản xuất thức ăn cho thú cưng, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường "béo bở" này. Hiện có thêm tổng cộng có 3,2 triệu hộ gia đình ở Anh đã nuôi thú cưng kể từ năm đại dịch.
Điển hình như Katja Schell, người đã mở một cửa hàng dành cho thú cưng từ ba năm trước cho biết: “Mọi người thích chiều chuộng vật nuôi của mình vì điều đó khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Một khách hàng trẻ đã từng đến Eric & Dolly’s để tiêu hết số tiền sinh nhật vào các món đồ xinh đẹp cho thú cưng. Đối với nhiều người, chỉ cần mua một món quà nhỏ cho chú chó của mình cũng mang lại cho họ rất nhiều niềm vui”.
Một yếu tố khác tiếp tục mang đến những lợi ích vô cùng lớn cho thị trường thú cưng là tầm ảnh hưởng của những cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội. Như chia sẻ của Jenny Tsai, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của WeArisma cho biết, thị trường thú cưng ở Vương quốc Anh nói riêng được định giá 5,9 tỷ bảng Anh và 37% người Anh tiết lộ rằng họ mua sản phẩm cho vật nuôi của mình dựa trên các đề xuất trên nền tảng mạng xã hội TikTok hay Instagram. Xu hướng đang tiếp tục khuyến khích sự lên ngôi của các “pet-fluencer”.
Đây cũng trở thành kênh quảng bá quan trọng của các thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Celine hay Moncler. Trích dẫn phân tích của WeArisma, kể từ đầu năm 2022, ba thương hiệu nói trên đã tạo ra giá trị truyền thông là 4,8 triệu USD với hơn 3,1 triệu lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội nổi bật liên quan tới bộ sưu tập thú cưng sang trọng của họ.
TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG
Gần đây, mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà bán lẻ là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nhưng có vẻ như tác động của nó đối ngành phụ kiện thú cưng là không quá lớn.
Kate Jaffe, chuyên gia về xu hướng tại Rover, cho biết: “Áp lực lạm phát dai dẳng đã đè nặng lên nhiều hộ gia đình nuôi thú cưng vào năm 2024, tuy nhiên mối liên kết giữa người chủ với thú nuôi của họ chưa bao giờ thay đổi. Việc nuôi chó và mèo có thể chiếm phần không nhỏ trong thu nhập khả dụng, phần lớn bởi các bậc cha mẹ nuôi coi chúng như một phần vô giá của cuộc sống, đặc biệt ở những hộ gia đình độc thân, trẻ tuổi. Việc chi tiêu cho thú cưng giờ đây được coi là thiết yếu và đó là một yếu tố cực kỳ đáng khích lệ đối với ngành thú cưng nói chung”.
Theo Technavio, quy mô thị trường phụ kiện dành cho thú cưng trên toàn cầu ước tính sẽ tăng thêm 13,24 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2027. Bắc Mỹ là khu vực chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu vào năm 2022 và được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng dần đều 43% từ nay đến 2030.
Số lượng người nuôi thú cưng ngày càng nhiều cùng với mức chi tiêu ngày càng tăng cũng đang thúc đẩy quá trình mở rộng toàn ngành. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường đặc thù này cũng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhắm đến mục tiêu cao cấp trong lĩnh vực chăm sóc thú cưng.
Nhà phân tích văn hóa tại cơ quan nghiên cứu thị trường Kimberley Howard, giải thích: “Việc trở thành chủ sở hữu thú cưng cũng bộc lộ những thách thức riêng, vì vậy các thương hiệu cần phải hiểu và tìm cách giải quyết những vấn đề này cho người tiêu dùng”.
Theo bà Howard, việc tìm hiểu và nghiên cứu về hành trình nuôi dạy thú cưng, với cả những niềm vui và nỗi đau, có thể mở ra cơ hội để đổi mới. Lấy ví dụ như CocoPup, thương hiệu túi đựng thú cưng cao cấp khi nhận thấy nhu cầu của người dắt chó phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, mang theo túi đựng đồ ăn, chai nước, dây dẫn… trong một hành trình; thương hiệu khéo léo tạo ra những chiếc túi đầy phong cách với các ngăn đựng đồ thông minh để khách hàng có thể dễ dàng sử dụng.
“Thú cưng ngày nay chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống con người; quả thực, ngày càng có nhiều người coi thú cưng giống như con hoặc thậm chí lựa chọn nuôi thú cưng thay vì sinh đẻ. Bản thân tôi cho rằng các doanh nghiệp có thể theo dõi các xu hướng trong lĩnh vực phụ kiện trẻ em để dự đoán hướng đi cho thú cưng. Từ thực phẩm tự nhiên, hữu cơ cho đến những chiếc máy nói chuyện, việc nghiên cứu và đối chiếu những không gian song song này có thể giúp khơi gợi cảm hứng đổi mới cho thị trường”, bà Kimberley Howard nhận định.