Theo báo cáo Thịnh vượng Toàn cầu 2024 của ngân hàng UBS, số cá nhân sở hữu từ 1 triệu USD trở lên dự kiến sẽ tăng tại 52 trong số 56 nền kinh tế phát triển và đang phát triển được khảo sát trong giai đoạn 2023-2028.
Đứng đầu về mức tăng là Đài Loan, nơi số lượng triệu phú dự kiến sẽ tăng 47% nhờ ngành công nghiệp vi mạch đang bùng nổ và làn sóng nhập cư của người nước ngoài giàu có.
Các quốc gia tiếp theo có mức tăng trưởng cao là Thổ Nhĩ Kỳ (43%), Kazakhstan (37%), Indonesia (32%) và Nhật Bản (28%).
Hai trung tâm có nhiều triệu phú nhất toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc đại lục dự kiến số lượng triệu phú sẽ tăng lần lượt 16% và 8%. Ngược lại, Vương quốc Anh lại phải đối mặt với lượng sụt giảm mạnh lên đến 17%, theo báo cáo.
Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management nhận xét rằng Vương quốc Anh hiện có số lượng triệu phú USD cao thứ ba trên thế giới, nhiều hơn đáng kể so với tiềm năng của nền kinh tế này.
Nhìn từ thực tế, các quốc gia như Pháp và Italy, nơi số lượng triệu phú dự kiến tăng lần lượt 16% và 9%, đang chứng kiến đà gia tăng tự nhiên hơn, trong khi đó, bất kỳ nỗ lực nào ở Vương quốc Anh cũng sẽ chẳng thể bù đắp được dòng vốn chảy ra do các yếu tố "đẩy và kéo" (push and pull).
Theo ông Donovan, điều này một phần là do sự dịch chuyển tự nhiên trong phân phối tài sản khi nền kinh tế toàn cầu trải qua những thay đổi về cấu trúc và dòng vốn di chuyển khắp thế giới. Các yếu tố khác góp phần làm sụt giảm số lượng triệu phú ở Anh còn bao gồm việc chính phủ nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Bởi lẽ, những cá nhân giàu có người Nga từ lâu đã chọn London là nơi để cất giữ tài sản; do đó, nhóm triệu phú này sẽ chuyển hướng sang các địa điểm thuận lợi hơn cho họ như Dubai và Singapore.
Ngoài ra, sự biến động liên tục trong tình hình chính trị tại Anh cũng khiến nhiều nhà đầu tư lớn cân nhắc lại các chiến lược phân bố tài sản và đầu tư của họ.
Hà Lan là một quốc gia khác dự kiến chứng kiến số lượng triệu phú USD giảm khoảng 4%, theo ước tính.
Trong khi đó, số lượng triệu phú USD ở Nga đang ghi nhận mức tăng ấn tượng, 21%. Ông Donovan cho biết điều đó là do biến động tỷ giá hối đoái, cũng như xu hướng gần đây của thị trường hàng hóa và năng lượng mang lại lợi ích cho một số chủ doanh nghiệp.
UBS nhận thấy, tăng trưởng tài sản toàn cầu đã phục hồi vào năm 2023, đạt mức tăng 4,2% sau khi giảm 3% vào năm 2022. Diễn biến này chủ yếu được dẫn dắt ở khu vực EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi), tăng 4,8%, so với 4,4% ở Châu Á - Thái Bình Dương và 3,5% ở Châu Mỹ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra bức tranh phức tạp về tình hình chênh lệch giàu nghèo khi tài sản ngày càng tập trung nhiều hơn ở nhóm cá nhân giàu có nhất.
Các quốc gia có mức tài sản chênh lệch nhiều nhất là Mỹ, Brazil và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi cao hơn gấp 5 lần. Tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan là cao hơn gần gấp ba lần, còn tại Pháp và Mexico là gấp đôi.
Một khía cạnh khác cũng được thảo luận trong báo cáo của UBS là xu hướng chuyển giao tài sản, không chỉ chuyển giao theo chiều dọc mà còn chuyển giao theo chiều ngang. Cụ thể, trong số 83 nghìn tỷ USD dự kiến được chuyển giao trong 20 đến 25 năm tới, UBS ước tính 9 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao giữa các thế hệ (bố mẹ-con cái hoặc ông bà - cháu) hoặc theo chiều ngang sang cho vợ/chồng. Do tuổi thọ trung bình và chênh lệch tuổi tác trong các cặp vợ chồng, phần lớn trong số lượng chuyển giao tài sản lớn này sẽ thuộc về phụ nữ.