Ngày 13/4 vừa qua, Anthony Tan đã thiết lập một kỷ lục khác khi Grab Holdings Inc đồng ý niêm yết trên Nasdaq thông qua thương vụ sáp nhập trị giá 39,6 tỷ USD với một công ty “blank-check”, Altimeter Growth Corp.
Giao dịch này sẽ là thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới liên quan đến các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Việc kêu gọi đầu tư 4 tỷ USD kèm theo từ các nhà đầu tư toàn cầu cũng được coi là đợt chào bán cổ phần lớn nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ do một công ty Đông Nam Á thực hiện.
Chua Kee Lock, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Vertex có trụ sở tại Singapore - cũng là một nhà đầu tư ban đầu vào Grab - nhận xét: “Anthony luôn biết tập trung vào những việc cần làm và thực hiện nó một cách xuất sắc.”
Các giao dịch này một lần nữa xác nhận chiến lược của vị CEO 39 tuổi trong việc phát triển công ty lớn hơn nữa trong khu vực có nền kinh tế kỹ thuật số ước tính sẽ tăng gấp ba lần lên 309 tỷ USD vào năm 2025.
Anthony Tan và nhà đồng sáng lập khác Tan Hooi Ling, đã tạo ra Grab từ một kế hoạch khi tham gia cuộc thi “HBS New Venture Competition” do trường ĐH Harvard tổ chức vào năm 2011. Họ đã ra mắt ứng dụng ở Malaysia vào tháng 6/2012 và sau đó mở rộng ra thị trường khu vực.
Và trong khi Anthony Tan là con trai của một trong những gia đình giàu có nhất Malaysia, anh ấy đã quyết định trở thành một doanh nhân khởi nghiệp. “Anthony là một người rất kiên định và không dễ dàng bỏ cuộc,” ông Chua Kee Lock nói.
Và sự kiên định đó đã mang lại cho Grab chiến thắng trong cuộc chiến 5 năm vô cùng tốn kém với Uber, khi Athony Tan nói với các nhân viên rằng khi “một nhà vô địch địa phương luôn trung thành với niềm tin và sức mạnh của họ, họ có thể thắng thế trước những gã khổng lồ phương Tây”.
Uber đã rời khỏi Đông Nam Á vào năm 2018 bằng cách bán hoạt động kinh doanh của mình cho Grab và đổi lấy cổ phần công ty.
Thỏa thuận này cũng đặt nền tảng cho hoạt động kinh doanh giao đồ ăn của Grab, hiện trở thành phân khúc lớn nhất của Grab khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu giao hàng tăng cao. Nhưng chính đại dịch cũng đẩy Grab vào cuộc khủng hoảng lớn nhất sau khi dịch vụ gọi xe suy giảm, buộc hãng phải sa thải khoảng 5% nhân viên của mình.
Anthony Tan đã tìm kiếm lời khuyên từ các nhà đầu tư của mình, bao gồm cả Satya Nadella của Microsoft. Giám đốc điều hành Softbank Masayoshi Son, người mà Anthony Tan gọi là cố vấn cá nhân của mình, cũng đã giúp Grab quyết định xoay trục sang lĩnh vực giao hàng và mở rộng hoạt động kinh doanh thanh toán kĩ thuật số.
Mặc dù cũng gặp phải sự thua lỗ như bao startup công nghệ khác trong thời gian đầu, nhưng Anthony Tan cho biết công ty đã bắt đầu nghĩ đến việc niêm yết cách đây gần một năm. Nhưng chỉ tới năm nay, Grab đã nghiêm túc xem xét niêm yết cổ phiếu thông qua việc sáp nhập với SPAC sau khi nhận được nhiều lời đề nghị.
Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề tiết lộ, quá trình IPO có tên mã là “Iron Man” trong khi lộ trình SPAC được Grab đặt tên là “Superman”.
Các công ty công nghệ luôn đánh giá khu vực 650 triệu dân là một cơ hội lớn, nhưng sự đa dạng của thị trường cũng đã cản trở một số công ty toàn cầu. Phần lớn thành công của Grab nhờ nỗ lực bản địa hóa không ngừng. Nó chấp nhận tiền mặt kể cả khi Uber chỉ cho phép thanh toán bằng thẻ. Grab cũng đã sớm cung cấp dịch vụ gọi xe ôm tại các quốc gia tắc nghẽn giao thông như Việt Nam và Indonesia.
Sau khi chuyển trụ sở chính sang Singapore, Grab đã tiếp cận được với một số nhà đầu tư và tài năng lớn nhất thế giới.
Keith Magnus, đồng chủ tịch khu vực châu Á của ngân hàng đầu tư Evercore, một trong những cố vấn của Grab về thỏa thuận SPAC, cho biết: “Sự nhạy bén của Grab cho phép họ đi sâu vào hệ sinh thái khu vực và phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.”