Xu hướng tiêu dùng ít, hay còn gọi là "underconsumption core”, đang nở rộ tại Mỹ với lối sống tập trung vào việc sử dụng đồ dùng trong nhiều năm thay vì chạy theo các trào lưu mới nhất.
Những người ủng hộ phong trào này thường chia sẻ các vật dụng mà họ đã dùng trong nhiều năm - ví dụ như khăn tắm mang từ nhà bố mẹ, bộ mỹ phẩm chỉ gồm vài món cần thiết, đồ nội thất cũ mua ở cửa hàng secondhand… Và họ không có kế hoạch mua đồ thay thế cho đến khi những vật dụng này thực sự hỏng hóc nặng.
Lượt tìm kiếm cụm từ "underconsumption core" đã tăng hơn 4.250% trong 12 tháng qua, theo dữ liệu của Google Trends, công cụ so sánh mức độ phổ biến tương đối của các thuật ngữ tìm kiếm. Rất nhiều người dùng đã đăng tải video trên TikTok để mô tả về lối sống tiêu dùng ít, trong đó có những video nhận được hàng trăm ngàn lượt thích và chia sẻ.
Các chuyên gia cho biết, xu hướng “underconsumption core” không chỉ đơn giản là để tiết kiệm ngân sách hay giảm bớt đồ đạc. Nhiều người đã quá mệt mỏi với việc phải theo đuổi một lối sống vật chất với những tiêu chuẩn rất khó để duy trì. Đồng thời, họ cũng muốn giảm thiểu bớt “dấu chân carbon” của mình ra môi trường.
Phó giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Wisconsin-Madison nhận xét rằng cụm từ "tiêu dùng ít" có thể nên được gọi là "tiêu dùng bình thường”. Tuy nhiên, xu hướng này được nhấn mạnh bởi nó trực tiếp phản bác lại cái mà nhiều người chỉ trích là tiêu dùng quá mức.
Xu hướng tiêu dùng ít cũng được phát triển mạnh mẽ hơn khi người Mỹ đối mặt với mức lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ và lạm phát khó kiểm soát đã đẩy giá cả tăng vọt. Khoản tiết kiệm tích lũy trong thời gian đại dịch Covid-19 cũng dần cạn kiệt, doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên, và một số nhà kinh tế lo ngại Mỹ có thể bước vào suy thoái.
Các nhà bán lẻ như Kohl's, Best Buy và Home Depot đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây bởi xu hướng cắt giảm chi tiêu của người dân. Đây là một dấu hiệu thay đổi lớn so với vài năm trước, khi đại dịch đã khiến người dân ồ ạt mua sắm tất cả mọi thứ, từ nguyên liệu làm bánh mì đến thiết bị tập thể dục và đồ điện tử để giải trí. Khi các lệnh lockdown được dỡ bỏ, người ta lại đổ tiền vào các trải nghiệm đắt đỏ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay cũng chú trọng hơn vào chất lượng và tác động tới môi trường. Eleanor (24 tuổi), nhân viên bán thời gian tại một công ty xây dựng ở Utah, cho biết cô ưu tiên mua sắm có ý thức hơn là tiết kiệm tiền. Cô sở hữu vài chiếc quần jean có giá hơn 150 USD mỗi chiếc, nhưng cô tin là chúng xứng đáng với mức giá cao nhờ độ bền so với thời trang nhanh.
Eleanor nói rằng thói quen chi tiêu của cô bắt nguồn từ mối quan tâm về môi trường. Cô từng sống ở Tây Phi, nơi phải chứng kiến hàng tấn rác thải dệt may từ thời trang nhanh bị đổ về châu lục này. "Thay vì mua 20 bộ đồ bơi từ Amazon, tôi sẽ mua hai bộ có giá đắt hơn, nhưng tôi thực sự yêu thích và sẽ mặc chúng trong nhiều năm”, Eleanor chia sẻ thêm.
Mặc dù xu hướng tiêu dùng ít đang ngày càng phổ biến, nhưng chi tiêu tại Mỹ vẫn khá mạnh mẽ. Doanh số bán lẻ đã tăng 1% trong tháng 7 so với tháng trước đó, vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế chỉ ở mức 0,3%, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.